Áp xe cạnh hậu môn

Bệnh áp xe cạnh hậu môn là bệnh gì?

Trực tràng là phần cuối cùng của ruột già và là nơi phân được trữ trước khi được thải ra ngoài qua ống hậu môn và hậu môn. Khi trực tràng và các tuyến tạo chất nhầy trong trực tràng bị nhiễm trùng sẽ làm cho các khoang hoặc các lỗ nhỏ ở trực tràng chứa đầy mủ. Các khoang đầy mủ này được gọi là các áp xe và khi chúng xuất hiện quanh hậu môn sẽ gây ra bệnh áp xe quanh hậu môn.

 

Triệu chứng thường gặp 

Dấu hiệu và triệu chứng chủ yếu của bệnh áp xe quanh hậu môn là đau nhói trực tràng kéo dài và thường đau nặng hơn khi cử động hoặc kéo căng. Các triệu chứng khác có thể bao gồm: sốt, táo bón, khó tiểu. Đôi khi bạn có thể cảm nhận được khối trực tràng đỏ, nóng, mềm và sưng.

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân thường gặp là do vi khuẩn đi từ ống hậu môn lên đến các khoang xung quanh trực tràng và gây viêm nhiễm. Hầu hết những vi khuẩn này sống trong lòng ruột già hoặc sống ngoài da ở vùng gần hậu môn.

Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây ra do một vết nứt ở hậu môn bị nhiễm trùng, nhiễm trùng qua đường tình dục hoặc một số bệnh rối loạn đường ruột như bệnh Crohn và viêm túi thừa đại tràng.

Nguy cơ mắc phải

Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh áp xe hậu môn. Tuy nhiên, theo thống kê, nam giới thường hay mắc bệnh này hơn phụ nữ. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh áp xe quanh hậu môn?

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh áp xe quanh hậu môn, bao gồm:

  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Bệnh viêm đường ruột (bệnh Crohn và viêm loét đại tràng);
  • Sử dụng các loại thuốc corticosteroid;
  • Hệ thống miễn dịch bị suy yếu (chẳng hạn như do mắc HIV/AIDS);
  • Bệnh có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ và những người có tiền sử bị nứt hậu môn.

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh áp xe hậu môn đầu tiên dựa trên tiền sử bệnh và các triệu chứng của bạn. Sau đó, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra trực tràng để khẳng định kết quả chẩn đoán và soi đại tràng để loại trừ các bệnh lý khác. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm,chụp CT, MRI để xác định vị trí áp xe.

Điều trị

Phương pháp điều trị chính của bệnh áp xe quanh hậu môn là phẫu thuật mở và hút ổ áp xe. Trong hầu hết trường hợp, người bệnh sẽ được điều trị ngoại trú, tức là bạn có thể về nhà ngay sau khi phẫu thuật. Nếu áp xe ở quá sâu, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân phải nằm viện đến khi áp xe đã cạn hoàn toàn mủ.

Bệnh nhân thường bị đau sau khi phẫu thuật và được giảm đau bằng cách ngồi ngâm hậu môn trong nước ấm từ 3 đến 4 lần mỗi ngày và có thể dùng thuốc giảm đau. Thuốc làm mềm phân cũng được dùng cho bệnh nhân để ngăn ngừa táo bón và chữa chứng khó đại tiện. Bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc kháng sinh để làm giảm triệu chứng. Tuy nhiên, phương pháp này không thể thay thế cho phẫu thuật và hút ổ áp xe.

Các biến chứng sau phẫu thuật có thể xảy ra gồm hồi phục không hoàn toàn, áp xe tái phát và hình thành lỗ rò. Lỗ rò làm thông tuyến hậu môn bị áp xe ra da. Lỗ thông thường hình thành sau 4 đến 6 tuần sau khi hút cạn áp xe và cần phải được phẫu thuật.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Để hạn chế diễn tiến của bệnh áp xe quanh hậu môn, bạn nên: điều trị bệnh sớm. Các áp xe hậu môn không được chữa trị có thể lây lan đến các mô khác và làm cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn