Bệnh xoang tổ lông vùng cùng cụt

 

Bệnh xoang lông là gì và nguyên nhân do đâu?

 

 

 

Bệnh xoang lông là tình trạng nhiễm trùng kéo dài của da vùng lõm ở mông (Hình 1). Đó là do phản ứng của cơ thể đối với lông nằm ở da, thường là ở rãnh liên mông. Bệnh thường gặp ở nam hơn là nữ, và thường từ khoảng tuổi dậy thì đến tuổi 40. Bệnh cũng thường gặp ở những người béo phì, có lông dày và cứng.

 

 

Bệnh có triệu chứng như thế nào?

Có nhiều triệu chứng khác nhau, có thể là một mụt nhỏ cho đến một khối to đau. Thường vùng này hay rò dịch trong, đục hay có máu. Khi bị nhiễm trùng, vùng này sẽ đỏ lên, căng, và chảy mủ có mùi hôi. Nhiễm trùng có thể làm cho người bệnh sốt, khó chịu, hay nôn mửa.

Bệnh này có nhiều dạng khác nhau. Hầu hết bệnh nhân bị ổ mủ cấp tính (vùng này sưng, căng, và có thể có mủ). Sau khi ổ mủ đã sạch, hoặc tự lành hoặc do rạch, ở nhiều bệnh nhân, bệnh phát triển thành xoang lông (Pilonidal sinus). Xoang này ở dưới da có lỗ thông với bề mặt da hay có những đường rò khác. Dù một số đường dò có thể tự lành, nhưng hầu hết người bệnh đều cần phẫu thuật để loại bỏ chúng.

Ở một số người bệnh, bệnh biến thể thành dạng viêm nhiễm trùng tái phát nhiều lần. Dạng kéo dài này gây ra những đợt sưng, đau, và chảy dịch. Hầu hết các trường hợp này cần phải phẫu thuật mới khỏi.

Bệnh xoang lông được điều trị như thế nào?

 

 

 

Việc điều trị tuỳ vào tình trạng bệnh. Dạng ổ mủ cấp cần rạch da và dẫn lưu mủ, giúp giảm viêm và đau. Thủ thuật này thường được thực hiện tại phòng khám dưới gây tê tại chỗ. Dạng xoang mãn tính thường phải cắt bỏ. Dạng phức tạp hay tái phát cần được phẫu thuật. Phương pháp có thể là bóc chỏm xoang (unroofing) hay cắt bỏ xoang (Hình 2) và có thể đóng lại bằng vạt da (flaps). Phẫu thuật càng lớn cần thời gian hồi phục càng lâu. Nếu vết thương hở, cần phải băng vết thương hay chèn gạc tránh nhiễm trùng.

 

 

Tỉ lệ thành công của các vết thương hở cao hơn dù cần vài tuần để lành vết thương. Đóng bằng vạt da là một phẫu thuật lớn và dễ nhiễm trùng hơn; tuy nhiên, một số người bệnh cần phải thực hiện phẫu thuật này. Bác sĩ điều trị sẽ trao đổi với bạn phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Bệnh nhân cần chăm sóc như thế nào sau mổ?

Nếu vết mổ đóng, chỉ cần giữ sạch và khô cho đến khi da lành hoàn toàn. Nếu vết mổ phải để hở, cần băng lại hay chèn gạc để có thể thấm hút các dịch tiết và giúp cho vết thương lành từ dưới đáy lên.

Sau khi vết mổ lành, phải giữ sạch vùng da giữa hai mông và cạo sạch lông. Có thể cạo hay nhổ lông mỗi lần cách hai hay ba tuần cho đến khi 30 tuổi. Sau 30 tuổi, cuống lông thường mỏng, mềm và rãnh mông không còn sâu nữa.

 

Bài liên quan: